Xây dựng thị xã Sơn Tây thành đô thị vệ tinh hiện đại

 

Phân xưởng may áo sơ-mi tại Công ty cổ phần may Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: MINH HÀ
Thị xã Sơn Tây - vùng lõi của văn hóa xứ Đoài, đang chuyển mình để trở thành một đô thị vệ tinh hiện đại của thành phố. Nhưng để tạo được bước phát triển đột phá trong thời gian tới, Sơn Tây cần tìm cách làm mới trong triển khai quy hoạch, kết nối hệ thống giao thông.

Chuyển mình mạnh mẽ

Đường từ trung tâm thành phố về Sơn Tây giờ đã "ngắn" hơn rất nhiều nhờ đường 32 và Đại lộ Thăng Long được xây dựng khang trang, hiện đại. Những địa danh như Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hồ Đồng Mô... nay trở nên quen thuộc, khi nhiều người chọn làm điểm đến cho những kỳ nghỉ cuối tuần. Riêng năm 2016, Thành cổ Sơn Tây và làng Đường Lâm đã đón hơn 150 nghìn khách du lịch. Tín hiệu ấy cho thấy sự đổi thay lớn đang diễn ra tại thị xã này. Sơn Tây có chín phường, sáu xã, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm 13,3% trong cơ cấu kinh tế và đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng năm 2016 chiếm 45%; các ngành du lịch - dịch vụ chiếm 41,7%. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thị xã hiện có hai cụm công nghiệp, tổng số 613 doanh nghiệp đang hoạt động, đem lại giá trị sản xuất 3.472 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ cũng mang lại doanh thu lớn, với giá trị 3.027 tỷ đồng trong năm 2016. Cùng với các hoạt động thương mại, du lịch trên địa bàn đang ngày một phát triển, tập trung vào khai thác các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của xứ Đoài, nổi bật là làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và... Lĩnh vực nông nghiệp tuy không còn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng cũng đang có chuyển dịch mạnh mẽ sang các mô hình kinh tế trang trại, sản xuất tập trung, với 60 trang trại gia súc, hơn 70 trang trại gia cầm. Hiện đã có bốn trong tổng số sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn, kết quả thực hiện Năm trật tự văn minh, đô thị cũng có nhiều điểm đáng khích lệ. Các lực lượng chức năng đã xử phạt 1.514 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, 711 trường hợp vi phạm trật tự công cộng, tháo dỡ 239 mái che, máy vẩy, 430 biển quảng cáo, bảo đảm đô thị xanh, sạch, đẹp. Thị xã Sơn Tây cũng là đơn vị có tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tốt, đến nay đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho 37.064 thửa đất, đạt 133% kế hoạch thành phố giao.

Cần những giải pháp đột phá

Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây là một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội, với chức năng là đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, trong đó trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, phát triển du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô. Bởi vậy, kỳ vọng đặt ra cho Sơn Tây là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế Sơn Tây vẫn còn gặp không ít trở lực trong quá trình phát triển mà trước hết là ở quy hoạch bởi thị xã vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, các quy hoạch phân khu. Việc chậm hoàn thành quy hoạch đã phần nào cản trở sự phát triển của Sơn Tây. Điểm yếu tiếp theo là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện, về mặt quy hoạch, giao thông Sơn Tây được quy hoạch đồng bộ cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Hiện nay, đường bộ đã kết nối với trung tâm qua đường 32, Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 21. Tuy nhiên, đường 32 bắt đầu quá tải, đường 21 thì xuống cấp. Việc mở rộng đường 32 là tương đối khó khăn. Vậy nên, thành phố cần đốc thúc triển khai xây dựng trục tây Thăng Long qua địa bàn các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ để tạo sự kết nối với thị xã. Giao thông nội bộ của Sơn Tây cũng chưa đáp ứng nhu cầu của đô thị vệ tinh. Nhiều tuyến đường chưa được xây dựng, hoặc xây dựng dang dở như tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây đến Đền Và, tuyến đường thượng lưu đê hữu Hồng kết nối với cảng Sơn Tây...

Đối với sản xuất công nghiệp và thương mại, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết: "Trong hai cụm công nghiệp trên địa bàn, cụm công nghiệp Phú Thịnh đã được lấp đầy. Cụm công nghiệp Sơn Đồng theo quy hoạch rộng 72 ha, nhưng hiện chưa có nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hiện mới triển khai được khoảng 17 ha. Nếu không xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thì rất khó để tạo sự bứt phá cho thị xã".

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với thị xã Sơn Tây mới đây, đại diện các ngành của thành phố đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của thị xã, gợi ý một số biện pháp để Sơn Tây có thể áp dụng trong xây dựng, phát triển đô thị vệ tinh. Đồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả mà thị xã Sơn Tây đã đạt được trong thời gian qua và chỉ rõ khâu yếu nhất của Sơn Tây là kết nối hạ tầng giao thông, kết nối với các nhà đầu tư. Bởi vậy, các sở, ngành phải cùng lãnh đạo thị xã Sơn Tây tìm các giải pháp thúc đẩy các dự án giao thông, nhanh chóng kêu gọi nhà đầu tư, trong đó, chú trọng kêu gọi những nhà đầu tư lớn, có tầm cỡ quốc tế để hợp tác.

Sơn Tây là trung tâm văn hóa xứ Đoài, giàu tiềm năng về lịch sử, văn hóa và sinh thái để khai thác du lịch, xây dựng đô thị có bản sắc riêng. Bởi vậy, cùng với trách nhiệm của thành phố, bản thân thị xã cần phải có những hướng đi mới, cách tiếp cận mới trong kêu gọi đầu tư, năng động hơn trong phát triển du lịch để có thể phát triển tương xứng với tiềm năng.

Giang Nam

Đăng nhận xét

0 Nhận xét